Thành tựu đạt được của Trung tâm
Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm, tiền thân là Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật đã gặt hái được vô vàn những giải thưởng, thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo và phát triển ngành nấm tại Việt Nam.
1. Một số kết quả chính đạt được của trung tâm
• Các đề tài dự án:
- Chủ trì đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu chọn tạo các loại giống nấm ăn và nấm dược liệu quý ở Việt Nam” năm 2001- 2003 do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đầu tư đã nghiệm thu và đánh giá xuất sắc.
- Chủ trì Dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước: “Xây dựng mô hình làng nghề trồng nấm” năm 2002- 2004 thuộc chương trình KC07. Dự án đã nghiệm thu đạt loại khá.
- Chủ trì thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất nấm quy mô hộ gia đình” do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ giai đoạn 1 (2003- 2005) và giai đoạn 2 (2006-2007) tại các địa phương như: Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
- Chủ trì thực hiện nhiệm vụ triển khai dự án “Sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm” tại tỉnh Tiền Giang do Bộ Khoa học và Công nghệ giao năm 2004- 2006.
- Chủ trì các dự án trong Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý qua các giai đoạn:
+ Giai đoạn 1 “Phát triển một số giống nấm chất lượng cao giai đoạn 2002 – 2005;
+ Giai đoạn 2 “Phát triển một số giống nấm chất lượng cao giai đoạn 2006 - 2010”;
+ Giai đoạn 3 “Sản xuất giống nấm, giai đoạn 2011 - 2015”.
Hiện nay, đang xây dựng và chuẩn bị thực hiện từ năm 2016 giai đoạn 4 “Sản xuất giống nấm giai đoạn 2015 - 2020”.
- Thực hiện các Chương trình Khuyến Nông và Khuyến Công do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặt hàng; Tháng 10/2006 là đơn vị thay mặt cho Bộ tổ chức Chương trình tập huấn kỹ thuật cho các cán bộ Khuyến nông của các nước ASEAN về công nghệ nhân giống, nuôi trồng và chế biến nấm.
- Năm 2008 - 2010 chủ trì thực hiện dự án: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất theo hướng công nghiệp một số loại nấm ăn có giá trị cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.
- Năm 2008 - 2010 chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nhân giống và nuôi trồng nấm cao cấp (nấm Ngọc Châm (Hypsizygus marmoreus), nấm Chân Dài (Clitocybe maxima))”.
- Đã và đang chuyển giao công nghệ cho các dự án của chương trình nông thôn miền núi gồm dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và phát triển sản xuất nấm ở tỉnh Thái Nguyên”; “Xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và nuôi trồng nấm ăn - nấm dược liệu tại tỉnh Sơn la”; “Xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và nuôi trồng nấm ăn - nấm dược liệu tại huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh”; “Dự án phát triển nấm ở huyện Yên Khánh - Ninh Bình” Dự án: “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng tại tỉnh Nam Định” giai đoạn 2006 – 2010 và giai đoạn 2011 – 2015.
• Chọn giống
- Công nhận 5 giống nấm chính thức (nấm Mỡ A2, nấm Linh chi Dt, nấm Sò Pl1, nấm Rơm Vo1 và nấm Mộc nhĩ Au1). Hiện nay, đã hoàn tất thủ tục công nhận chính thức giống Linh D20 đang chờ công bố quyết định.
- Công nhận 7 giống tạm thời (nấm Chân dài Cl1, nấm Đùa gà ENH, Trân châu Ag1, nấm Kim châm trắng Fl1, nấm Kim châm vàng Fl2, nấm Đầu khỉ He1, nấm Ngọc châm Hy). Hiện nay, đã hoàn tất thủ tục công nhận tạm thời giống nấm sò P9 và đang chờ công bố quyết định
• Quy trình và tiến bộ kỹ thuật
- Công nhận 11 quy trình công nghệ về tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng và khảo nghiệm giống nấm.
- Công nhận quy trình công nghệ trồng nấm Linh chi trên bã mía do Đoàn Thành niên công sản Hồ Chí Minh của Trung tâm đảm nhận được giải thưởng Thanh niên sáng tạo KHCN.
• Các công trình đã công bố
23 công trình đã được công bố trên Tạp chí trong và ngoài nước.
2. Những thành tựu ứng dụng thực tiễn
2.1. Kết quả chuyển giao công nghệ
- Chuyển giao hơn 20 công nghệ nhân giống nấm, công nghệ nuôi trồng và chế biến nấm ăn, công nghệ xử lý bã nấm thành phân hữu cơ cho hơn trên 40 tỉnh thành phố trong cả nước.
- Chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến nấm cho các tỉnh: Bến Tre, Kiên Giang, Quảng Trị, Học viện Hậu cần – Bộ Quốc Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai, Bạc Liêu, Bình Phước, Đắc Lắc, Đồng Tháp, Long An, Lâm Đồng, Gia Lai, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên…. theo chương trình nông thôn miền núi do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý qua các giai đoạn từ năm 1999 đến nay.
- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La và Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh Sơn La chuyển giao công nghệ cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm tại tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (theo con đường Nghị định thư giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ Lào).
- Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông đã tăng cường công tác tư vấn, tổ chức triển khai sản xuất ở các cơ sở, mở rộng các cơ sở mới theo quy mô trang trại làng nghề như: huyện Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Ý Yên - tỉnh Nam Định; huyện Yên Khánh, Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn tỉnh Ninh Bình; huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo - Thành phố Hải Phòng; Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên,… với quy mô hàng ngàn hộ gia đình và hàng trăm trang trại trồng nấm.
2.2. Đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển sản xuất
- Hàng năm đều có đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học được cử đi học tập, tập huấn, trao đổi công nghệ nuôi trồng nấm ở nước ngoài gồm: Trung tâm Nấm ăn Châu Á – Thái Bình Dương (Phúc Kiến – Trung Quốc); Viện nghiên cứu Nấm Hàn Quốc; Trung tâm chế phẩm sinh học và nấm thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc); Viện nghiên cứu công nghiệp thực phẩm Đài Loan (Trung Quốc).
- Các trường Đại học, học viện đã phối hợp với các cơ sở nghiên cứu tiến hành đào tạo đại học, sau đại học về công nghệ sinh học, khoa học cây trồng, chọn tạo giống, kinh tế ngành hàng phục vụ ngành nấm.
- Tham gia đào tạo nghề nấm cho nông dân theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về chương trình dạy nghề cho nông dân như: Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Ninh Thuận…
- Tập huấn dạy nghề cho 156 khóa học “Tập huấn công nghệ nhân giống nấm, nuôi trồng nấm ăn - nấm dược liệu” có thời gian từ 10 ngày tới 2 tháng tại Trung tâm công nghệ sinh học thực vật - Viện Di truyền Nông nghiệp (mỗi khoá học trung bình khoảng 30 học viên). Ngoài ra, hàng năm tiến hành tập huấn hàng trăm lớp tại các địa phương theo các Chương trình của Bộ Khoa học & Công nghệ, Chương trình Khuyến nông và Chương trình tạo việc làm theo yêu cầu của sản xuất nấm.
- Biên tập và in tái bản sách nấm “Kỹ thuật trồng, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu” NXB Nông nghiệp – 2012 làm cơ sở cho dạy nghề và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trên cả nước.
- Thiết kế các mẫu tờ gấp, tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chế biến và sử dụng nấm ăn - nấm dược liệu phục vụ dạy nghề và khuyến nông.
2.3. Về hợp tác quốc tế
- Đã thiết lập và duy trì hợp tác với Trung tâm nấm Châu Á – Thái Bình Dương tại Phúc Kiến – Trung Quốc trong lĩnh vực đào tạo, tập huấn công nghệ, trao đổi thông tin và kết quả nghiên cứu về vực nấm ăn- nấm dược liệu.
- Hợp tác với KOPIA về nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc do Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) chủ trì.
- Ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Sinozyme, Cục Khoa học và Công nghệ Nam Ninh – Trung Quốc về trao đổi kết quả nghiên cứu, ứng dụng và tổ chức sản xuất, chế biến nấm bắt đầu thực hiện từ năm 2012.
- Tham gia đào tạo công nghệ nhân giống và nuôi trồng nấm cho 2 giảng viên Đại học Quốc gia Lào, của Đại học Hoàng Gia Campuchia.